Việc tạo ra một nguồn nhiên liệu sạch từ các phế phẩm nông nghiệp như lõi, thân cây ngô, rơm rạ, vỏ trấu, bã mía,… mà vẫn đảm bảo hiệu suất hoạt động cho các động cơ đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong các thập kỷ vừa qua.
Theo Our World in Data, lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu, khí tự nhiên và than đá trên toàn thế giới đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 1950 và gấp 2 lần kể từ năm 1980 cho đến nay, cho thấy sự phụ thuộc ở mức báo động của con người vào loại năng lượng này. Đồng thời, các tổ chức nghiên cứu cũng đã chỉ ra những rủi ro và tác động tiêu cực của việc độc quyền nhiên liệu hóa thạch từ một số quốc gia đến nền kinh tế-chính trị thế giới.
[Chú thích] Mặc dù có sự thay đổi tỉ trọng giữa các loại nhiên liệu hóa thạch gồm than đá, dầu và khí tự nhiên, lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng nhanh trong vòng 50 năm trở lại đây.
Chính bởi những lí do trên và sự lớn mạnh của các phong trào, chiến dịch bảo vệ môi trường của các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới, chính phủ các nước đã có những động thái nhất định nhằm khuyến khích việc đầu tư và phát triển năng lượng sinh khối, một nguồn năng lượng xanh có thể giải quyết tương đối các bất cập hiện tại.
Phổ biến nhất trong các năm gần đây là năng lượng xanh được sản xuất từ các phế phẩm nông nghiệp như lõi, thân cây ngô, rơm rạ, bã mía hay hầu hết các phần bỏ đi của nông nghiệp. Các phế phẩm kể trên có chứa cellulose và hemicelluloso có thể được phá vỡ tạo thành đường bằng phương pháp lên men giống như lên men bia rượu. Người ta thường sử dụng nguyên tắc lên men cơ bản trên điều chế Ethanol để pha cùng với xăng tạo ra xăng sinh học E5 (5% ethanol), E85 (85% ethanol).
Bên cạnh việc lên men, chúng ta cũng có những cách, phương pháp khác giúp tạo ra nhiên liệu từ các phụ phẩm nông nghiệp. Đối với vỏ trấu vỏ dừa, chúng sẽ được đưa vào máy xay nhuyễn, sau đó được nén bằng máy áp suất cao tạo thành viên trụ tròn dùng làm chất đốt. Với độ ẩm thấp và giá thành rẻ, viên nén trấu nhanh chóng trở thành loại nhiên liệu xanh được sử dụng rộng rãi, đôi khi được trộn chung với gỗ để tăng hiệu suất.
Như vậy, từ các phế phẩm nông nghiệp vốn thải nhiều CO2 khi phân hủy, người ta có thể sản xuất ra nhiều nguồn năng lượng tái tạo mới khác nhau như Ethanol hay viên nén làm chất đốt với nhiều tiềm năng kinh tế, đồng thời giúp tiêu thụ các phế phẩm nông nghiệp, giảm khí thải nhà kính.
Mặc dù vẫn còn nhiều người nghi ngờ về sự thân thiện của Ethanol với môi trường và liệu Ethanol có thật sự là câu trả lời cho biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu; thì ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn phải thừa nhận việc có thể tạo ra một nguồn nhiên liệu mới từ phế phẩm nông nghiệp chính là một bước tiến, một thành quả chứng minh sự nỗ lực và phát triển của nhân loại.